Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời
- Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
GERD xảy ra khi axit và dịch tiêu hóa trong dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản – ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Dịch axit này có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản.
Phần lớn trường hợp nhẹ có thể kiểm soát bằng thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh cần được điều trị chuyên sâu bằng thuốc kê toa hoặc can thiệp ngoại khoa.
- Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày
Nguyên nhân chính là do cơ vòng thực quản dưới (LES) – bộ phận kiểm soát đóng/mở đường xuống dạ dày – hoạt động yếu hoặc mở không đúng lúc, khiến axit dễ trào ngược lên trên.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Béo phì
- Mang thai
- Thoát vị hoành
- Hút thuốc lá
- Khô miệng
- Hen suyễn hoặc dùng thuốc giãn phế quản
- Bệnh tiểu đường
- Dạ dày tiêu hóa chậm
- Rối loạn mô liên kết (xơ cứng bì...)
Triệu chứng nhận biết trào ngược dạ dày – thực quản
Triệu chứng của GERD rất dễ bị bỏ qua do thường nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường hoặc bệnh tim, viêm họng mãn tính… Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu này xuất hiện lặp lại nhiều lần trong tuần thì cần nghĩ ngay đến khả năng trào ngược dạ dày.
Triệu chứng tiêu hóa:
- Ợ hơi thường xuyên: Kể cả khi đói hoặc không ăn gì, do khí trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản.
- Ợ nóng (nóng rát sau xương ức): Cảm giác nóng lan từ vùng thượng vị lên ngực và cổ họng, có thể kèm theo vị chua trong miệng.
- Ợ chua: Axit hoặc thức ăn trào ngược lên miệng, gây vị chua khó chịu, thường xuất hiện sau ăn hoặc khi nằm.
- Buồn nôn và nôn: Thường xảy ra sau khi ăn no, nằm ngay sau ăn hoặc khi không kê cao gối khi ngủ.
- Khó nuốt, cảm giác vướng cổ: Niêm mạc thực quản bị tổn thương dẫn đến sưng viêm, gây cảm giác nghẹn hoặc khó trôi thức ăn.
- Tăng tiết nước bọt: Cơ thể phản xạ tạo nhiều nước bọt để trung hòa axit trào lên.
Triệu chứng ngoài tiêu hóa:
- Ho khan kéo dài: Đặc biệt là về đêm, do axit kích thích niêm mạc họng và phế quản.
- Khàn tiếng, đau họng dai dẳng: Axit gây tổn thương dây thanh quản.
- Khó ngủ, ngưng thở khi ngủ: Gặp khi trào ngược về đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.
- Hen suyễn nặng hơn: Ở người có bệnh lý nền hô hấp, GERD khiến triệu chứng hô hấp trầm trọng hơn.
Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị
GERD không chỉ là bệnh tiêu hóa đơn thuần mà nếu kéo dài sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng cả tiêu hóa lẫn hô hấp.
- Viêm loét và chảy máu thực quản
Dịch axit gây tổn thương lớp niêm mạc thực quản, tạo vết loét. Dấu hiệu gồm: đau rát khi nuốt, buồn nôn, nôn ra máu hoặc phân đen. Nếu không chữa trị sẽ dẫn đến mất máu mạn tính, thiếu máu.
- Hẹp thực quản
Sẹo xơ do viêm làm thu hẹp lòng thực quản. Gây nuốt nghẹn, đặc biệt là với thức ăn đặc. Người bệnh dễ bị sụt cân do ăn uống kém.
- Viêm đường hô hấp mạn tính
Axit trào ngược tiếp xúc với thanh quản, phế quản, mũi xoang gây: Viêm họng, viêm thanh quản, khàn tiếng. Viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa. Kích hoạt cơn hen suyễn hoặc làm bệnh hen trở nên nặng hơn. Trẻ em bị GERD còn dễ bị viêm phổi tái diễn hoặc viêm phế quản kéo dài.
- Barrett thực quản – tiền ung thư
Tế bào niêm mạc thực quản bị biến đổi cấu trúc do tiếp xúc lâu dài với axit. Là tình trạng tiền ung thư, cần theo dõi sát qua nội soi và sinh thiết. Chỉ khoảng 1% – 5% bệnh nhân GERD phát triển thành Barrett.
- Ung thư thực quản
Biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm nhất. Dấu hiệu gồm: nuốt nghẹn, sụt cân nhanh, ho khan, đau sau xương ức. Khi phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn, tiên lượng xấu.
Cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị GERD hiệu quả, việc thay đổi lối sống đóng vai trò quyết định.
Thay đổi thói quen ăn uống:
Ăn chậm, nhai kỹ, tránh ăn quá no. Không ăn tối quá muộn, nên ăn trước khi ngủ ít nhất 2-3 giờ. Tránh thực phẩm dễ gây trào ngược: đồ chiên rán, cay nóng, nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu bia, socola, bạc hà. Hạn chế nước uống có gas
Thay đổi tư thế và sinh hoạt:
Tránh nằm ngay sau khi ăn. Kê cao đầu giường 15–20 cm khi ngủ. Duy trì cân nặng hợp lý. Hạn chế mặc đồ bó sát vùng bụng. Bỏ thuốc lá, giảm stress
Thăm khám và điều trị đúng cách:
Nếu có triệu chứng kéo dài, nên đi nội soi thực quản – dạ dày. Điều trị sớm bằng thuốc chống trào ngược, kháng acid. Theo dõi định kỳ nếu đã có biến chứng như Barrett thực quản
GERD là bệnh lý mạn tính nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát. Việc nhận biết sớm triệu chứng và điều chỉnh lối sống đúng cách giúp ngăn ngừa hầu hết biến chứng nguy hiểm.